TOP 6 NGHIÊN CỨU ĐỘT PHÁ TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG NĂM 2014

0
1656

TOP 6 NGHIÊN CỨU ĐỘT PHÁ TRONG ĐIỀU TRỊ

BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG NĂM 2014

Trong báo thường niên năm 2014 của Diabetes Research Institute Foundation vừa công bố top 6 nghiên cứu mang tính đột phá lớn trong điều trị bệnh đái tháo đường.

Các nghiên cứu đó bao gồm:

Màng phủ đảo tụy

Tiến sĩ Alice Tomei, giáo sư giải phẫu và cấy ghép tế bào của Viện nghiên cứu Đái tháo đường (Diabetes Research Institute – DRI) thuộc khoa y Đại học Miami Miller đã chứng minh thành công một phương phápđể bọc các đảo tụy sản xuất insulin. nhóm của tiến sĩ Tomei đã tìm ra cách bọc các tế bào đảo tụy trong một viên nang mỏng và đồng nhất. Lớp phủ này sẽ giúp bảo vệ các tế bào trong quá trình cấy ghép, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sản xuất insulin.

Nghiên cứu này đã được công bố trên kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học (Proceedings of the National Academy of Sciences.) http://www.pnas.org/content/111/29/10514.abstract

Cấy ghép đảo tụy vào màng bụng

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành cấy ghép các đảo tụy vào màng nối của bụng (omentum) thay vì tuyến tụy như trước. Màng bụng được bao quanh bởi các mạch máu, đồng thời dễ dàng tiến hành giải phẫu nên đã được chọnđể thử nghiệm cấy ghép. Ngoài ra màng bụng có cấu trúc tương tự tuyến tụy có thể giúp bài tiết insulin tốt nhất. Nghiên cứu này đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp nhận thử nghiệm phase I/II trên người. Theo đó các đảo tụy của người hiến tặng sẽ được đặt trong các “giá thể phân hủy sinh học” trước khi được cấy ghép vào màng nối của bụng. Một số bệnh nhân đạt các tiêu chí cấy ghép đã được chọn để bắt đầu tiến hành các thử nghiệm này.

 

Hình trái:  Các tế bào đảo tụy trong các giá thể phân hủy sinh học. Sợi fibrin giữ các tế bào cố định (hình phóng đại).

Hình phải: Vị trí cấy ghép đảo tụy (màng nối ổ bụng) được FDA chấp nhận thử nghiệm phase I/II.

Thử nghiệm sử dụng liều thấp IL-2 để kích thích sản xuất Insulin

Một số các bác sĩ của Viện nghiên cứu Đái tháo đường (DRI) đã cộng tác với tiến sĩ David Klatzmann để xác định liều lượng IL-2 (Interleukin) cần sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1. IL-2 là một phân tử protein điều hòa hoạt động tế bào bạch cầu. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sử dụng liệu pháp này để ngăn chặn việc mất toàn bộ chức năng sản xuất insulin trong tuyến tụy vào giai đoạn đầu phát triển bệnh. Trong nghiên cứu này, IL-2 liều thấp đã được chứng minh là an toàn cho bệnh nhân và thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào T điều hòa, đồng thời giữ cho các tế bào của hệ miễn dịch trong cơ thể không tấn công các tế bào khỏe mạnh. Thử nghiệm đang được bắt đầu tiến hành.

Các tế bào trong máu dây rốn có thể bảo vệ các tế bào sản xuất Insulin

Trong nghiên cứu này, tiến sĩ Luca Inverardi và nhóm của ông đang cố gắng để tìm hiểu xem liệu tế bào Myeloid-Derived Suppressor Cells (MDSCs) có thể hoạt động để bảo vệ các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy hay không? Chức năng của MDSCs là bảo vệ các khối u (tumor) trong cơ thể bằng cách huy động các tế bào T điều hòa xung quanh khối u. Trước đây, MDSCs chỉ có thể được thu nhận trong tủy xương nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một phân nhóm khác của MDSCs (fibrocyte-MDSCs) có thể thu được trong dịch máu dây rốn của trẻ sơ sinh. Các f-MDSCs mới này được xem là có khả năng ức chế miễn dịch mạnh, dễ phát triển, tăng sinh, và nuôi cấy được trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ đánh giá được khả năng bảo vệ các tế bào sản xuất insulin của f-MDSCs  khi cấy ghép trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1.

 

Protein Smad-7 có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường mới khởi phát

Tiến sĩ Peter Buchwald, hiện là giám đốc phát triển thuốc của DRI, đang phát triển một liệu pháp nhằm tập trung vào một con đường truyền tín hiệu mới được phát hiện trong hệ thần kinh. Con đường truyền tín hiệu này gây ra quá trình tự miễn làm phá hủy các tế bào sản xuất insulin của đảo tụy. Tiến sĩ Buchwald và nhóm của ông đã mô hình hóa cách ngăn chặn con đường dẫn truyền tín hiệu này với một gen mã hóa protein gọi là Smad-7. Smad-7 có thể ngăn chặn sự phá hủy của các tế bào tiểu đảo trong bệnh đái tháo đường mới khởi phát. Bằng chứng thu thập trong nghiên cứu này đã hỗ trợ lý thuyết của Buchwald rằng việc sử dụng Smad-7 có thể kích thích tái tạo lại các tế bào tiểu đảo.

 

Tạo ra các tế bào nội tiết từ hợp chất được FDA chấp nhận

Một nhóm nghiên cứu của DRI dẫn đầu bởi hai tiến sĩ Juan Dominguez-Bendala và Ricardo Pastori đã biến đổi thành công các tế bào ngoại tiết của con người không sản xuất insulin thành tế bào nội tiết sản xuất insulin bằng cách sử dụng một phân tử được FDA phê chuẩn. Trong quá khứ, các nghiên cứu tương tự đã biến đổi các tế bào ngoại tiết thành các tế bào nội tiết sử dụng các kỹ thuật chuyển gien, nhưng phương pháp này không hiệu quả để điều trị bệnh đái tháo đường.

 

Xem chi tiết báo cáo thường niên tại:

http://issuu.com/lweintraub/docs/final_drif_annual_report_2014_singl/5?e=5917319/11554702

Bùi Nguyễn Tú Anh dịch

Theo InsulinNation

Email: bntanh@hcmus.edu.vn

Link bài báo http://insulinnation.com/treatment2/cure-insight/progress-with-6-ways-to-stop-type-1/