Ý tưởng Tế bào gốc – Stem Cell Innovation 2014 – Sáng tạo những ước mơ

0
1230

Kéo dài trong ba tháng cuối năm 2014 cuộc thi Ý tưởng sáng tạo Tế bào gốc – Stem Cell Innovation  lần I năm 2014 do Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc Trường đại học Khoa học Tự Nhiên – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã thu hút được sinh viên của hơn 8 trường đại học trong khắp cả nước tham gia như Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Quốc tế, Đại học Văn Lang, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, Khoa Y Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Tự Nhiên Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Nông Lâm, Đại học Khoa học Tự Nhiên Hà Nội,…. Đây là một sân chơi chơi học tập và nghiên cứu cho tất cả sinh viên yêu thích lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, y học, dược học và nông nghiệp các lĩnh vực có liên quan đến tế bào và tế bào gốc trên người và động vật đồng thời kích thích khả năng sáng tạo để giải quyết các vấn đề về sinh học ứng dụng, y dược phù hợp yêu cầu của xã hội.

1526781_759898670759197_8264239811035328818_n

Các tác giả đoạt giải ở vòng chung kết trao giải

Với hơn 109 ý tưởng vào vòng loại có nội dung hết sức phong phú, từ ứng dụng tế bào gốc để điều trị tiểu đường, tạo ra buồng trứng nhân tạo để nuôi trứng, đến liệu pháp sử dụng tế bào gốc để ngăn chặn bệnh ung thư và cả những liệu pháp giải quyết năng lượng bằng tế bào gốc phát điện sinh học. Các tác giả và nhóm tác giả đã có một hành trình dài trong suốt cuộc thi, đây là một sân chơi để các bạn học tập và hoàn thiện các kỹ năng từ nảy sinh ý tưởng đến giải quyết ý tưởng một cách logic và khoa học nhất. Dưới sự phản biện của các chuyên gia trong lĩnh vực như Giảng viên chính Thầy Phan Kim Ngọc – Trưởng phòng thí nghiệm Tế bào gốc (PTN TBG), Tiến sĩ Dược Sĩ Nguyễn Đức Thái – Cố vấn cao cấp của PTN TBG, Tiến sĩ Bác sĩ  Trần Ngọc Tuấn – Cố vấn cao cấp của PTN TBG, Tiến sĩ Bác sĩ Ngô Quốc Đạt – Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Phạm Văn Phúc – Phó trưởng PTN TBG các tác giả và nhóm tác giả đã dần hoàn thiện các ý tưởng ban đầu của mình qua từng vòng thi từ vòng Sàn ý tưởng, vòng bán kết cho đến vòng chung kết.

Xuất phát từ thực trạng vô sinh do thiếu hụt trứng và chất lượng trứng không đảm bảo từ người phụ nữ, nhóm sinh viên năm 4 đến từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí inh đã xuất sắc giành giải ba với ý tưởng “Buồng trứng tổ ong nhân tạo”, theo nhóm tác giả này, tế bào gốc được biệt hóa để tạo thành các thành phần của buồng trứng nhân tạo độc lập ngoài cơ thể, đây là một nhà máy “ấp” trứng hoàn toàn độc lập với cơ thể, từ đây các trứng được nuôi lớn và đảm bảo chất lượng phục vụ cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn mà nguyên nhân đến từ trứng của người phụ nữ. Đồng giải ba là ý tưởng “Viên thuốc mang tế bào gốc tiết insulin” của tác giả Nguyễn Lê Thành Công cũng đến từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, theo đó ý tưởng này tạo ra được một viên thuốc mang các tế bào gốc có khả năng tiết ra insulin, người bị tiểu đường chỉ cần cấy viên thuốc này vào cơ thể thì lượng đường huyết sẽ được cân bằng nhờ insulin tiết ra một cách nhịp nhàng với cơ thể.

Đồng giải khuyến khích đều đến từ Khoa Y – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh với hai ý tưởng “Tiểu cầu giá rẻ cho bệnh nhân” và “Liệu pháp tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC) trong điều trị đái tháo đường”. Trong khi đó, nhằm điều trị ung thư nhóm tác giả Cao Văn Tâm và Trương Linh Huyền đến từ Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã xuất sắc đạt được giải nhì với ý tưởng “Thiết kế hệ thuốc nano điều trị hướng đích tế bào gốc ung thư”. Với ý tưởng này, các tế bào gốc ung thư sẽ bị tiêu diệt tận gốc nhờ hệ thống thuốc nano nhận diện các đặc điểm chỉ có loại tế bào này mới có.

Nhưng độc đáo nhất thuộc về ý tưởng “Sử dụng TBG cá chình điện (Electrophorus electricus) tạo máy phát điện sinh học” của Trần Văn Luân, Cao Minh Ngọc và Nguyễn Quốc Hùng (Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. HCM). Cá chình điện sống ở Nam Mỹ có thể phát ra điện đến 1.000 V. Bí mật ở đây là hai bên sống lưng chúng có hai “nhà máy phát điện”, mỗi nhà máy có 70 cột phát điện, mỗi cột gồm 6.000 tế bào chồng lên nhau. Hiểu được cơ chế phát điện của cá chình, nhóm tác giả đề xuất chế tạo những thiết bị phát điện mô phỏng sinh học, dựa trên việc sử dụng TBG của cá chình. Các thiết bị này thân thiện với môi trường, giảm thiểu việc sử dụng nguồn nhiên liệu làm hại môi trường. Chính vì thế quán quân của cuộc thi đã thuộc về nhóm tác giả này, nhưng càng bất ngờ hơn nữa đây chỉ là những sinh viên năm nhất của Khoa Sinh học trường Đại học Khoa học Tự Nhiên Tp. HCM.

10384520_759899437425787_7805097739936740178_n

Chân dung các nhà quán quân

Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo Tế bào gốc được tổ chức 2 năm một lần tuy nhiên ngay trong ngày chung kết trao giải đã có những bạn sinh viên đã chủ động chuẩn bị ý tưởng của mình cho cuộc thi vào năm 2016 ngay từ lúc này. Cuộc thi là một sân chơi thực sự bổ ích dành cho các bạn sinh viên yêu thích Tế bào gốc, từ ý tưởng cho đến lúc thực hiện thành công là một bước đi vô cùng khó khăn, đây chỉ là bước khởi đầu cho những công trình vĩ đại về sau. Hãy tham gia sáng tạo những ước mơ!

collage1

Những ước mơ Tế bào gốc

Kết quả chung cuộc:

Giải Khán giả yêu thích nhất

Nhóm tác giả:  Trần Vũ Hữu Đức, Nguyễn Võ Đại Nhân, Phạm Thị Thanh Vân

Ý tưởng: “Ứng dụng TBG trong chuyển gien hLf ở bò để tạo ra bò mang sữa protein của người”

Đơn vị: Đại học Y Dược Tp. HCM và Đại học Văn Lang TP.HCM

Giải Khuyến khích

1/ Ý tưởng: “Tiểu cầu giá rẻ cho bệnh nhân”

Nhóm tác giả: Nguyễn Quang Phát, Nguyễn Thị Ly, Nguyễn Thị Thu Thủy

Đơn vị: Khoa Y – ĐHQG TP HCM

2/ Ý tưởng: “Liệu pháp tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC) trong điều trị đái tháo đường”

Nhóm tác giả: Huỳnh Văn Tín, Nguyễn Minh Dũng

Đơn vị: Khoa Y – ĐHQG TP HCM

Giải Ba:

1/ Ý tưởng: “Viên Thuốc Mang Tế Bào Tiết Insulin”

Tác giả: Nguyễn Lê Thành Công

Đơn vị: ĐH KHTN TP HCM

2/ Ý tưởng: “Buồng trứng tổ ong nhân tạo”

Nhóm tác giả: Lê Thị Thu Thảo, Huỳnh Mạnh Cầm

Đơn vị: ĐH KHTN TP HCM

Giải Nhì:

Ý tưởng: “Thiết kế hệ thuốc nano điều trị hướng đích tế bào gốc ung thư”

Nhóm tác giả: Cao Văn Tâm, Trương Linh Huyền

Đơn vị: ĐH KHTN Hà Nội

Giải Nhất:

Ý tưởng: “Sử dụng tế bào gốc cá chình điện (Electrophorus electricus) tạo “máy phát điện sinh học”

Nhóm tác giả: Trần Văn Luân, Cao Minh Ngọc, Lê Quốc Hùng

Đơn vị: ĐH KHTN TP HCM

 

Phan Lữ Chính Nhân – Trịnh Vạn Ngữ