Phát hiện mới trong chức năng điều trị tiểu đường type 1 của tế bào gốc trưởng thành

0
527
Hàng triệu người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải phụ thuộc vào việc tiêm insulin hàng ngày để duy trì sự sống. Họ sẽ chết nếu không được tiêm vì hệ miễn dịch của họ sẽ liên tiếp giết chết các tế bào tiết insulin của cơ thể. Tuy nhiên, một nhà khoa học thuộc đại học Missouri đã khám phá ra rằng sự tấn công này gây nhiều tổn thương hơn những gì mà trước đây người ta vẫn biết. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra một liệu pháp chữa trị tiềm năng bằng cách kết hợp tế bào gốc trưởng thành và một loại thuốc mới đầy hứa hẹn.

Tiến sĩ Habib Zaghouani người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại trường đại học y Missouri nói: “chúng tôi đã khám phá ra rằng hệ miễn dịch trong bệnh tiểu đường type 1 không chỉ phá hủy các tế bào tiết insulin mà còn phá hủy các mạch máu nuôi dưỡng chúng”. Zaghouani khi nhận ra tầm quan trọng của mạch máu trong vai trò sản xuất insulin của cơ thể, đã phát triển một phương pháp chữa trị tiềm năng kết hợp thuốc với các tế bào gốc trưởng thành từ tủy xương. Thuốc có nhiệm vụ chấm dứt sự tấn công của tế bào hệ miễn dịch và các tế bào gốc sẽ giữ vai trò hình thành mạch máu mới giúp các tế bào tiết insulin tăng sinh và phát triển mạnh.

vfhyjgf

Trong nghiên cứu trước đây, Zaghouani và nhóm nghiên cứu của mình đã phát triển một loại thuốc chữa bệnh tiểu đường type 1 gọi là Ig-GAD2. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự tấn công của hệ miễn dịch đối với tế bào beta trong tuyến tụy. Vấn đề đặt ra là còn quá ít tế bào beta còn sống sau điều trị. Với nghiên cứu này, Zaghouani sử dụng  Ig-GAD2 và sau đó tiêm tế bào gốc tử tủy xương vào tuyến tụy với hy vọng rằng tế bào gốc có thể tăng cường và bù đắp vào vị trí các tế bào bêta đã mất đi.

Theo Zaghouani, “Sự kết hợp của  Ig-GAD2 và tế bào tủy xương đã dẫn đến sự sản xuất tế bào beta mới nhưng không phải theo hướng mà chúng tôi mong đợi…chúng tôi nghĩ rằng tế bào gốc tủy xương có thể chuyển đổi trực tiếp thành các tế bào beta. Tuy nhiên, các tế bào gốc tủy xương lại dẫn đến kích thích sự phát triển của các mạch máu mới và chính các mạch máu này kích thích sự tái sản sinh các tế bào beta mới”.

Zaghouani đang đăng ký bằng sáng chế cho hướng chữa trị tiềm năng của mình và hy vọng có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình lên điều trị lâm sàng. Khám phá này thật sự rất có ý nghĩa không chỉ trong ứng dụng điều trị trên các bênh nhân tiểu đường type 1 mà còn trên các bệnh tự miễn khác.

Nguyễn Thị Phương Dung

Email: ntpdung2603@gmail.com

Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/05/130529154426.htm